Từ “retro” bắt nguồn từ tiền tố retro trong tiếng La tinh, có nghĩa là “nhìn về quá khứ”. Phong cách nghệ thuật retro không có một lịch sử xác định. Mặc dù không có giới hạn chính xác những thập kỷ nào được bao gồm trong khung thời gian lịch sử này, nhưng nghệ thuật retro thường gồm thế kỷ 19 và 20. Một cách nghiêm ngặt hơn, nghệ thuật retro có xu hướng tập trung vào những trào lưu nghệ thuật từ thập niên 20 đến thập niên 70.
Nghệ thuật retro có thể là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế. Từ đầu thế kỷ 20 cho đến bây giờ, hội họa thật sự có ảnh hưởng lớn đến những xu hướng thời trang trên toàn thế giới. Sự kết hợp giữa nghệ thuật và thời trang cho chúng ta hiểu thời trang cũng là một hình thức nghệ thuật.
Đây là bốn trường phái nghệ thuật retro vẫn truyền cảm hứng cho thời trang ngày nay.
Art Nouveau là một phong cách nghệ thuât trang trí. Nó bao gồm tất cả các loại hình nghệ thuật – từ kiến trúc, đồ họa, đến nghệ thuật trang trí như nữ trang, thiết kế thủy tinh, áp phích, hình ảnh minh họa… Những nghệ sĩ Art Nouveau thường lấy cảm hứng từ các yếu tố tự nhiên. Đặc điểm trang trí của Art Nouveau là những đường lượn sóng, không đối xứng ,thường ở dạng cuống hoa và chồi, những sợi tua của dây nho, cánh côn trùng, và những mẫu trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Sự phổ biến của phong cách này đã lan sang các ngành thiết kế khác bao gồm cả thiết kế thời trang.
Một số những nghệ sĩ quan trọng của Art Nouveau là Alphonse Mucha, Gustav Klimt…
Gustav Klimt là một họa sĩ thành công của trường phái Art Nouveau với những tác phẩm để lại dấu ấn riêng biệt không thể nhầm lẫn. Và những năm sau đó, các tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho ngành thiết kế, đặc biệt cho Pierre Cardin.
Dada vừa là một trào lưu văn học vừa là một trường phái nghệ thuật. Trường phái Dada, bắt nguồn từ châu Âu vào thời gian giữa hai cuộc thế chiến, là một trào lưu đi ngược lại những giá trị xã hội, chính trị và văn hóa đương thời, phá bỏ mọi ranh giới giữa nghệ thuật cao cấp và cuộc sống hiện thực. Đặc trưng của họ là thái độ chế giễu, hài hước, và họ cho rằng hành động sáng tạo có tầm quan trọng lớn hơn sản phẩm được tạo ra.
Một số những nghệ sĩ lớn của trường phái Dada là Marcel Duchamp, George Grosz, Jean Arp, Raoul Hausmann…
Mặc dù trào lưu Dada không thể hiện nhiều ảnh hưởng đến thời trang ở thời gian đỉnh cao của nó vào đầu thế kỷ 20, những ý tưởng được khai phá đã tiếp tục ảnh hưởng đến các phong trào thời trang và nghệ thuật khác.
Đưa chất siêu thực vào thời trang không còn là chuyện mới, nhưng các ý tưởng lại luôn luôn mới)
Bauhaus là trường phái nghệ thuật đầu tiên kết hợp thủ công và mỹ thuật. “Chức năng hơn hình thức” là tư tưởng chính của trường phái này và những thiết kế Bauhaus mang tính thẩm mỹ nhưng vẫn chú trọng tới công năng. Đặc trưng của phong cách Bauhaus là những hình dạng hình học, đường thẳng và đường cong mượt mà, hình khối đơn giản không trang trí và thường có màu cơ bản.
Một số những nghệ sĩ nổi tiếng của trường phái Bauhaus là Walter Adolph Gropius, Wassily Kandinsky , Paul Klee, Marcel Breuer …
Trào lưu Bauhaus đã đi vào thời trang qua nhiều thập kỷ với vô số kiểu mẫu khác nhau, từ tối giản, ít màu sắc đến rực rỡ và cầu kỳ. Nó luôn là nguồn cảm hứng dồi dào để các nhà thiết kế tạo nên những dấu mốc nổi bật trong lịch sử thời trang.
Mary Quant, nhà tiên phong của những chiếc váy ngắn thập niên 60, đã kết hợp những chiếc váy lệch vai trẻ trung in họa tiết hình học với quần bó màu sắc rực rỡ trong suốt sự nghiệp của mình.
Trường phái Art Deco nổi lên ở Paris vào đầu những năm 20 và lan rộng khắp thế giới vào thập niên 30. Phong cách Art tiêu biểu bởi tính thanh lịch, quyến rũ, công năng và hiện đại. Nó thường sử dụng màu sắc sống động và có độ tương phản cao, nhấn mạnh các mẫu hình học và đối xứng. Nó bắt đầu như phong cách hiện đại của Art Nouveau nhưng đơn giản và gần gũi hơn.
Một số những nghệ sĩ nổi tiếng của trường phái Art Deco là Tamara de Lempicka, René Lalique, A.M. Deco Cassandre, Romain de Tirtoff…
Art Deco đặc biệt ảnh hưởng đến thời trang dành cho phụ nữ. Hình ảnh của phụ nữ có thể được mô tả qua ba biểu tượng phong cách chính: Flapper, Goddess và Athlete.
Những bức tranh của thời kỳ này táo bạo và mang tinh thần thời đại. Những bức tranh của họa sĩ Tamara de Lempicka là ví dụ điển hình. Phụ nữ trong tranh của bà được miêu tả với màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho vẻ đẹp tự tin và phóng khoáng. Tranh của bà là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế thời trang.
Bốn trường phái nghệ thuật này là những cuộc cách mạng. Mỗi trường phái đều có những đặc điểm riêng biệt tạo nên danh tiếng và đánh dấu vị trí của các trường phái này trong lịch sử nghệ thuật. Ngày nay chúng ta thấy vô vàn các mẫu thiết kế lấy cảm hứng sáng tạo từ các bứ tranh của những trường phái nghệ thuật này. Các kiệt tác nghệ thuật đã rời khỏi thế giới của các bảo tàng để đến với thế giới của thời trang toàn cầu.